Rất nhiều người dùng Word Press thắc mắc với chúng tôi rằng phải làm sao khi họ muốn mua lại các tên miền đã có chủ sở hữu? Nếu như bạn cũng đang ở trong hoàn cảnh đó, bài viết dưới đây hứa hẹn sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho mình.
Thông thường giải pháp đơn giản nhất cho vấn đề này, đó là tìm mua một tên miền tương tự. Tuy nhiên, đôi khi đây không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ các hướng dẫn giúp bạn mua lại tên miền đã có chủ và đưa ra một số điểm mà bạn cần lưu ý. Bài viết cũng sẽ đề cập tới các chiến lược đã được chúng tôi áp dụng thành công trong “công cuộc” săn tên miền của mình để bạn tham khảo.
Lưu ý: Không như các hướng dẫn khác trên internet, các kinh nghiệm chúng tôi chia sẻ dưới đây được rút ra từ thực tế công việc của chính mình: Săn tên miền đã có chủ. Chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm ngàn hay thậm chí cả triệu USD cho việc mua lại các tên miền đắt giá.
Những điều cơ bản của việc mua tên miền đã có chủ
Mọi website đều cần có tên miền. Nó chính là địa chỉ của website bạn trên internet. Nếu là người mới và chưa hiểu tên miền là gì, bạn có thể đọc bài viết “tên miền hoạt động như thế nào” nhé.
Bạn có thể đăng ký một tên miền với giá từ $10 đến $15 từ các tổ chức cho phép đăng ký và quản lý tên miền hàng đầu hiện nay. Ngoài ra, bạn thậm chí có thể sở hữu tên miền miễn phí khi đăng ký với các công ty hosting như Bluehost, Dreamhost, etc.
Nếu tên miền bạn muốn đăng ký đã có chủ thì sao?
Trong trường hợp này, bạn có 2 sự lựa chọn: tìm một tên miền khác để thay thế, hoặc mua lại tên miền bạn mong muốn từ chủ sở hữu hiện tại của tên miền đó. Giải pháp thứ 2 này có thể sẽ là một bước ngoặt tuyệt vời cho doanh nghiệp của bạn. Tuy nhiên, bạn cần biết các nguy cơ để tránh bị lừa đảo, từ đó làm mất thời gian và cả tiền bạc của bạn nữa. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp các mẹo hay giúp bạn có thể mua lại các tên miền cũ một cách an toàn nhất có thể.
Những điều cần cân nhắc
Một câu hỏi quan trọng mà bạn cần trả lời: bạn chỉ muốn mua riêng tên miền hay mua lại toàn bộ website đã được chủ của nó bỏ công xây dựng? Nếu như website đó đang giúp chủ nó kiếm được tiền, đó là một cơ hội giúp bạn “đi đường tắt”, có thể có doanh thu luôn mà không cần phải xây dựng lại từ đầu. Đổi lại, mức giá bạn phải trả chắc chắn sẽ là không rẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc các rủi ro và trách nhiệm pháp lý khác.
Cách mua tên miền đã có chủ
Có 2 hướng để bạn tiếp cận và mua lại tên miền đã có chủ:
- Liên lạc riêng với chủ sở hữu hiện tại của tên miền và thỏa thuận giá cả.
- Tìm kiếm tên miền bạn muốn mua trên các chợ mua bán tên miền.
Hướng tiếp cận đầu tiên có thể giúp bạn tối ưu chi phí hơn. Nói vậy là bởi, bạn và chủ tên miền sẽ mua bán trực tiếp với nhau nên sẽ không mất phí giao dịch cho sàn mua bán. Loại bỏ được khoản phí này, bạn có cơ hội thuyết phục người chủ bán lại tên miền cho mình với mức giá tốt hơn.
Nếu tên miền đã có website và đi kèm với đó là mẫu thông tin liên lạc, bạn có thể liên hệ với chủ tên miền bằng thông tin này.
Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm tên miền bằng công cụ Domain WHOIS tool. Công cụ này sẽ giúp cung cấp thông tin liên hệ chi tiết với các chủ tên miền để bạn có thể liên lạc.
Cách tiếp cận thứ hai là bạn tìm kiếm tên miền muốn mua trên các chợ tên miền online. Đây là nơi các chủ sở hữu tên miền đăng bán tên miền của họ. Chúng tôi khuyến nghị bạn tìm kiếm trên Domain.com. Đây là một trong những chợ tên miền tốt nhất hiện nay. Để sử dụng, bạn chỉ cần tìm kiếm tên miền mong muốn và xem xem hiện nó có đang được rao bán hay không.
Các tên miền đã có chủ có thể sẽ được đánh dấu là dạng tên miền cao cấp và thường có giá bán khá cao, giúp bạn dễ phân biệt chúng với tên miền chưa được đăng ký. Nếu tên miền bạn muốn mua được list trên trang, và bạn đồng ý với giá bán của nó, bạn có thể thêm vào giỏ hàng và tiến hành thanh toán.
Bạn cũng có thể thử tìm mua ở các chợ tên miền khác như Sedo, Flippa, vv…
Nếu tên miền chưa được list lên các chợ online này, rất có thể hiện nó chưa được rao bán. Lúc này, bạn nên dùng cách tiếp cận thứ nhất mà chúng tôi nói tới ở trên: Liên lạc riêng với chủ sở hữu tên miền.
Ở phần dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra các lời khuyên để giúp bạn mua bán tên miền được an toàn, tránh lừa đảo.
Những lưu ý để mua tên miền an toàn
Mẹo thứ nhất: Tránh mua tên miền với phần đuôi khác
Bạn đã từng gặp tình huống muốn mua 1 tên miền nào đó với phần đuôi .com, nhưng phát hiện ra nó đã có chủ sở hữu. Lúc này, rất có thể bạn sẽ có suy nghĩ sẽ mua các tên miền có phần đuôi khác như .net hoặc .org.
Tuy nhiên, điều này dễ gây ra các rắc rối bởi về sau này. Nói vậy là bởi, người truy cập có thể sẽ quên tên miền thật của bạn, và thay vào đó, họ nhập vào các trang có phần đuôi không đúng, dẫn tới việc không truy cập vào đúng website của bạn. Bạn thậm chí sẽ phải đối mặt với các kiện tụng nếu như chủ sở hữu tên miền .com kiện ra tòa rằng bạn đang vi phạm thương hiệu của họ. Khả năng này rất dễ xảy ra nếu như công ty đó đăng ký tên miền dưới dạng nhãn hiệu (trademark).
Chúng tôi cũng đã từng đề cập tới vấn đề vì sao bạn cần một tên miền .com trong bài viết cách chọn tên miền tốt nhất đã được đăng tải trước đây.
Mẹo 2: Kiểm tra xem tên miền có được đăng ký dưới dạng trademark hay không
Nếu tên miền đã được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu của một công ty hiện đang hoạt động, bạn không nên “tơ tưởng” đến nữa hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ website của bạn bị đóng cửa hoàn toàn trong tương lai. Để chắc chắn, bạn nên tìm kiếm trong trang cơ sở dữ liệu về trademark uspto.gov, cũng như các trang về đăng ký nhãn hiệu khác, xem tên miền đã được một công ty nào đó sử dụng hay chưa. Thậm chí, với các tên miền có một phần chứa trademark của công ty khác, bạn cũng không nên đụng vào, nếu không muốn bị kiện cáo. Một ví dụ như bạn không thể mua tên miền nào có chứa từ “WordPress” trong đó.
Mẹo 3: Không nên để cảm xúc chi phối bạn
Bạn bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp riêng của mình và cảm thấy rất háo hức với điều đó. Bởi vậy, bạn sẽ rất dễ bị cảm xúc chi phối khi lựa chọn tên miền cho doanh nghiệp của mình. Đây là điều bạn cần phải tránh. Quyết định trong việc đầu tư tên miền cũng như các khoản đầu tư khác, cần sự thông minh và tỉnh táo.
Chúng tôi khuyên bạn nên đưa ra nhiều lựa chọn “mở”, cân nhắc kỹ giữa các tên miền khác nhau trước khi quyết định. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc đàm phán giá với chủ tên miền từ đó mua được tên miền với mức giá hợp lý thay vì bị bên bán “ép giá”. Nên nhớ rằng các tên miền cao cấp có giá từ vài trăm USD tới vài trăm ngàn USD.
Mẹo 4: Kiểm tra tên miền đã từng được sử dụng hay chưa
Bạn nên kiểm tra lịch sử website bằng công cụ Wayback Machine. Bởi có khả năng tên miền này đã được sử dụng bởi một công ty, tổ chức khác.
Việc một tên miền nào đó đã từng được sử dụng không có gì là bất thường, tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng nó không được dùng cho các mục đích lừa đảo, spam, hay các hoạt động phạm pháp. Điều này, nếu có, sẽ gây hại đến uy tín doanh nghiệp của bạn, cũng như khiến bạn đối mặt với các kiện cáo trong tương lai.
Mẹo 5: Cố gắng định giá tên miền
Đây là công việc khá khó khăn, nhất là với những người mới. Bạn sẽ băn khoăn liệu mức giá mà người bán tên miền đưa ra là rẻ, đắt, hay hợp lý.
Trên thực tế, không có một quy chuẩn chung nào về giá cho các tên miền cao cấp. Chủ sở hữu tên miền là người quyết định mức giá, và bạn, với tư cách người mua, sẽ quyết định xem đó có phải là cái giá hợp lý để mua hay không.
Các tên miền cao cấp có thể có giá từ một vài trăm USD tới hàng trăm ngàn USD. Một số ít tên miền hiếm thậm chí có giá lên tới cả triệu USD. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong mua bán tên miền, bạn có thể dùng công cụ EstiBot, nó sẽ giúp bạn đưa ra một đánh giá tổng quan, xem một tên miền nào đó đáng giá bao nhiêu.
Lưu ý: Các công cụ đánh giá giá trị tên miền tự động như EstiBot không hẳn là một quy chuẩn đánh giá chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng sẽ cho bạn biết nhiều dữ liệu về giá các tên miền tương tự, và điều này sẽ rất hữu ích cho bạn.
Nếu nhận thấy giá bán quá cao (điều rất thường gặp), bạn nên chuẩn bị tinh thần để mặc cả với người bán. Đừng mặc cả bằng cách đưa ra mức giá tối đa mà bạn có thể bỏ ra mua tên miền đó, mà bạn nên bắt đầu từ các mức giá thấp hơn rồi nâng dần lên cho tới khi 2 bên đạt được thỏa thuận. Tất nhiên, bạn cũng đừng trả những mức giá thấp không tưởng, như trường hợp chủ tên miền rao bán $20.000 mà bạn trả giá chỉ $500.
Mẹo 6: Cần biết bạn sẽ mua những gì
Bạn cần nắm bắt được mình chỉ mua tên miền hay mua lại cả website. Nếu bạn mua toàn bộ website, bạn có được sở hữu tất cả nội dung của site hay không.
Các website mà chủ sở hữu bỏ công thiết lập có thể đã được tích hợp nhiều plugin và công cụ có bản quyền. Và nhiều khả năng, các công cụ này sẽ không được chuyển lại cho bạn, do đó, bạn cần chuẩn bị tinh thần để mua lại chúng trong tương lai.
. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hỏi chủ tên miền về các tài sản khác. Chẳng hạn như dữ liệu danh sách email của website.
Nếu đang bỏ ra một số tiền lớn để mua tên miền, bạn nên thuê luật sư để soạn thảo một hợp đồng mua bán rõ ràng. Hãy tìm tới các luật sư có kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chủ sở hữu trao lại quyền quản lý các tài khoản mạng xã hội của tên miền đó.
Mẹo 7: Đảm bảo bạn đang mua tên miền từ đúng chủ sở hữu
Hãy tưởng tượng bạn gặp tình huống đã trả tiền mua tên miền rồi, sau đó phát hiện ra đây là 1 sản phẩm bị ăn cắp. Lúc này, bạn không thể lấy lại tiền được nữa, và cũng không phải là chủ sở hữu hợp pháp của tên miền đó.
Đó thật sự sẽ là một cơn ác mộng, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, bạn cần tránh mua phải các tên miền bị đánh cắp để tránh bị mất tiền về sau. Để làm điều này, bạn có thể dùng tới công cụ DNS Trails. Nó sẽ giúp bạn xác định xem trong bản ghi (record) của hệ thống tên miền có gì thay đổi bất thường hay không. Nếu có, bạn phải yêu cầu chủ sở hữu giải thích về điều đó.
Nếu trước đây bạn chỉ liên lạc với chủ tên miền qua email, giờ đây bạn nên liên lạc qua số điện thoại của họ nữa, để có thể trò chuyện trực tiếp hơn. Điều này cũng giúp ích cho bạn nếu trong trường hợp email của chủ tên miền bị hack hoặc bị giả mạo.
Mẹo 8: Dùng Escrow để chuyển tiền
Escrow.com là một site trung gian giúp việc mua bán của bạn được an toàn, tránh trường hợp bạn đã chuyển tiền nhưng chủ tên miền không giao lại tên miền cho bạn. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, bạn sẽ chuyển tiền tới Escrow. Website này sẽ giữ lại số tiền bạn chuyển, và chỉ khi bạn xác nhận đã nhận được tên miền, số tiền này mới được chuyển tới người bán.
Escrow.com trước đây đã từng được dùng cho các giao dịch tên miền lớn như Twitter.com, Gmail.com, WordPress.com…nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng trang web này sẽ thu của bạn một khoản phí giao dịch.
Mẹo 9: Đi “săn” tên miền theo đúng nghĩa
Trên thực tế, ngay cả khi 1 tên miền đã có chủ, bạn vẫn có cơ hội sở hữu nó mà không hề mất bất kỳ chi phí nào cho chủ tên miền.
Vì sao có khả năng đó xảy ra?
Hàng ngày có tới hàng ngàn tên miền quá hạn nhưng không được chủ sở hữu gia hạn. Nguyên nhân là bởi rất nhiều doanh nghiệp thất bại và từ bỏ. Trong một số trường hợp, việc tên miền bị hết hạn là bởi người chủ cho rằng nó không có tương lai, và họ đã không còn quan tâm tới.
Nếu như tên miền bạn mong muốn nằm trong các trường hợp trên, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn sở hữu chúng.
Để sở hữu tên miền theo cách này, bạn cần theo dõi chúng thường xuyên và tiến hành đăng ký ngay khi nó hết hạn. Có thể bạn cho rằng việc theo dõi này sẽ rất mất thời gian, tuy nhiên, may mắn cho bạn là hiện nay có rất nhiều dịch vụ sẽ giúp bạn theo dõi tên miền hết hạn và đăng ký nó ngay ở thời điểm đó.
GoDaddy là một dịch vụ như thế. Ngoài ra còn có nhiều website khác cũng cung cấp các dịch vụ tương tự.
Dù vậy, giải pháp này không phải lúc nào cũng có tác dụng. Chủ tên miền có thể sẽ gia hạn tiếp cho tên miền của mình vào phút chót, hoặc trong trường hợp có người khác đặt hàng trước bạn, họ sẽ được ưu tiên sở hữu nó.
Mua lại tên miền đã có chủ không phải là việc đơn giản. Nó có thể chỉ mất vài ngày nhưng cũng có thể lên tới vài tháng. Trong trường hợp chủ sở hữu không muốn bán, bạn thậm chí còn tốn nhiều thời gian hơn để thuyết phục họ. Đó là lý do vì sao bạn cần đưa ra cho mình nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nameboy có thể là một công cụ hữu ích trong trường hợp này, bởi nó sẽ giúp bạn đưa ra các ý tưởng với mục tiêu cuối cùng là giúp bạn có được sự lựa chọn tốt nhất.
Một số mẹo giúp bạn lựa chọn tên miền:
- Thêm động từ vào từ khóa.
- Mở rộng thương hiệu của bạn với một từ khóa
- Dùng từ viết tắt
- Dùng câu cửa miệng hoặc tính từ, ví dụ: optinmonster.com, trustpulse.com, monsterinsights.com, etc.
Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ giúp bạn biết được cách mua lại những tên miền đã có chủ. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các cách kiếm tiền online, cũng như bài so sánh của chúng tôi về các nền tảng build website tốt nhất hiện nay.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy theo YouTube Channel để xem thêm các hướng dẫn về WordPress. Bạn có thể tìm kiếm chúng tôi trên Twitter and Facebook.