Nhiều độc giả hỏi chúng tôi về việc họ nên cài bao nhiêu plugin WordPress cho website của mình? Câu hỏi mọi người thực sự muốn biết là: Bao nhiêu plugin thì đủ?
Do có rất nhiều hiểu lầm về plugin và tác động của chúng đến tốc độ, hiệu suất, khả năng bảo mật của website; chúng tôi muốn diễn giải chi tiết về chủ đề này cho người dùng không chuyên về công nghệ.
Trong bài viết, chúng tôi sẽ giải thích về việc nên cài bao nhiêu plugin WordPress cho website của bạn, đồng thời làm rõ plugin có thể và không thể ảnh hưởng đến website của bạn ra sao. Mục tiêu là giúp bạn biết cách vận hành website của mình với sự kết hợp hoàn hảo của các plugin WordPress.
Về plugin WordPress và cách chúng vận hành
Trước khi đi sâu hơn, hãy thảo luận một chút về plugin WordPress và cách thức chúng vận hành.
Plugin WordPress giống như các ứng dụng cho website. Chúng giúp bạn thêm các tính năng và chức năng mới cho website như tạo cửa hàng trực tuyến, thêm form liên hệ v.v…
Giống WordPress, các plugin được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP. Mã PHP chạy trên máy chủ lưu trữ website của bạn và sử dụng tài nguyên của máy chủ đó.
Đó là lý do tại sao bạn phải chọn một công ty hosting WordPress tốt, cung cấp cho bạn các công cụ để dễ dàng quản lý các tài nguyên và vận hành website một cách hiệu quả.
Để tìm hiểu thêm, xem hướng dẫn chi tiết của chúng tôi về phương thức hoạt động của plugin WordPress. Nếu bạn muốn đào sâu hơn nữa, hãy xem cách WordPress thực sự vận hành đằng sau những gì bạn thấy (Infographic).
Kể từ phiên bản WordPress 1.2 (có thêm hỗ trợ plugin), plugin đã là một món quà đối với người dùng. WordPress không có plugin giống như một cửa hàng đồ chơi không có đồ chơi. Chả vui tẹo nào!
Tại sao plugin quan trọng đến vậy với website WordPress?
Mặc dù các file WordPress cốt lõi tạo nên một khung xuất bản mạnh, chính những plugin mới đóng vai trò lớn trong việc biến WordPress trở thành công cụ tạo web phổ biến nhất thế giới.
Số lượng plugin WordPress đã tăng lên trong những năm qua. Tại thời điểm viết bài này, trong thư mục plugin chính thức của WordPress đã có hơn 54.000 plugin WordPress miễn phí.
Ngoài các plugin miễn phí này, còn có hàng ngàn plugin WordPress trả phí được bán bởi các công ty và nhà phát triển bên thứ ba.
Plugin có thể giúp bạn cải thiện SEO, tăng tính bảo mật, quản lý người dùng v.v.. Việc phát triển kinh doanh của bạn trên website WordPress sẽ khá khó khăn nếu không sử dụng plugin.
Tại sao plugin WordPress bị mang tiếng xấu?
Mục đích của plugin là mở rộng các tính năng WordPress để làm hầu như mọi thứ bạn có thể tưởng tượng ra. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi quan sát thấy một cảm giác lo sợ, e dè từ nhiều người mới sử dụng đối với plugin.
Mọi người lo lắng về hiệu suất, độ bảo mật, sự ổn định v.v.. Điều này chủ yếu có nguồn gốc từ sự bực bội của các nhà thiết kế, nhà phát triển và nhân viên kỹ thuật hỗ trợ hosting khi họ cố gắng khắc phục sự cố cho website của khách hàng.
Trong cơn bực bội, họ đưa ra các nhận xét như “bỏ bớt plugin đi” hay “chính plugin làm chậm website của bạn”.
Những tuyên bố này đã lan tỏa trên mạng xã hội, trong những buổi gặp gỡ trực tiếp và các hội nghị. Cái bẫy lớn nhất của những tuyên bố đó là sự mơ hồ.
Ít hơn là thế nào? Bao nhiêu plugin WordPress là đủ?
Chúng tôi tin rằng vấn đề không phải ở số lượng plugin mà là chất lượng.
Bạn có thể có hàng tá plugin WordPress tốt chạy trên website của mình mà không gặp vấn đề gì, nhưng chỉ cần thêm một plugin được code kém đã có thể làm chậm website của bạn.
Khi điều này xảy ra và bạn yêu cầu trợ giúp, nhân viên kỹ thuật hỗ trợ của công ty hosting hoặc một nhà phát triển khác sẽ đổ lỗi cho số lượng plugin.
Điều này đúng thôi bởi xử lý sự cố một website với 5 plugin dễ dàng hơn nhiều so với xử lý sự cố một website với 30 plugin. Càng nhiều plugin công việc của họ càng vất vả.
Một chút thận trọng khi nhận bất kỳ lời khuyên nào xuất phát từ sự bực bội như vậy là hết sức cần thiết.
Bạn nên lịch sự yêu cầu họ xác định plugin cụ thể nào gây ra sự cố, bởi vì chỉ đơn giản đổ lỗi cho số lượng là kết quả của sự lười biếng.
Để bạn có cách nhìn chính xác, website WPBeginner của chúng tôi hiện đang có 62 plugin hoạt động và nó tải cực kỳ nhanh.
Nếu chúng ta thêm một plugin tồi làm chậm website thì chúng ta chỉ nên vô hiệu hóa một plugin đó (chứ không phải cả 62 plugin).
Ảnh hưởng của plugin đến website của bạn
Ảnh hưởng của plugin đến tốc độ và hiệu suất website
Có nhiều loại plugin WordPress và mỗi loại ảnh hưởng khác nhau đến hiệu suất website của bạn.
Có những plugin ảnh hưởng chủ yếu đến front-end (giao diện người dùng) như plugin tạo trang, form liên hệ, galleries, thanh trình chiếu (slider) v.v.
Và có các plugin chủ yếu được tạo để thực hiện các tác vụ trong khu vực quản trị hay back-end, ví dụ: plugin sao lưu WordPress, plugin biên tập, các tiến trình nền (background process) khác nhau v.v..
Ngoài ra còn có các plugin hoạt động ở mọi nơi, gồm cả khu vực quản trị và giao diện người dùng như: plugin SEO, plugin tường lửa WordPress v.v…
Tác động của plugin WordPress đến tốc độ và hiệu suất website phụ thuộc vào nơi plugin đó được tải.
Ví dụ, các plugin chỉ load khi bạn đang thực hiện các tác vụ trong vùng quản trị WordPress thường sẽ không ảnh hưởng đến hiệu suất của website.
Trái lại, các plugin được tải ở front-end thường để lại tác động lớn hơn.
Ngoài ra, plugin thực hiện các tiến trình nền định kỳ như kiểm tra liên kết hỏng, giám sát 404 v.v. cũng có thể làm chậm đáng kể hiệu suất tổng thể website của bạn.
Plugin có thể ảnh hưởng đến hiệu suất trang web của bạn do:
- Tạo các yêu cầu HTTP bổ sung: Một số plugin (chủ yếu front-end) có thể cần các style (khai báo kiểu) hoặc script (đoạn chương trình) tùy chỉnh để hoạt động chuẩn xác. Vì lý do này, người ta có thể thêm vào các file JS và/hoặc CSS. Việc tải các file này tạo ra các yêu cầu HTTP bổ sung làm tăng thời gian tải trang.
- Truy vấn cơ sở dữ liệu bổ sung: Một số plugin có thể làm tăng truy vấn vào cơ sở dữ liệu của bạn. Ví dụ: plugin hiển thị các bài đăng phổ biến, bài đăng liên quan hoặc bất cứ chương trình gì lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu và hiển thị trên giao diện người dùng.
- Các tiến trình nền & ghi cơ sở dữ liệu: Một số plugin có thể chiếm nhiều tài nguyên máy chủ trong khi chạy các tiến trình nền như kiểm tra liên kết hỏng, theo dõi và ghi lại các số liệu thống kê như lượt xem bài đăng v.v..
Hầu hết các plugin WordPress chất lượng sẽ chỉ tải file bổ sung khi cần và giảm thiểu truy nhập đến cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, những việc này đôi khi là không thể tránh khỏi.
May mắn là luôn có sẵn các giải pháp tối ưu hóa cho hầu hết các trường hợp. Chúng ta hãy cùng xem xét các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Trước khi thực hiện, hãy đảm bảo đã bật bộ nhớ đệm cache trên website WordPress của bạn. Không có bộ nhớ đệm, website bạn sẽ luôn chậm.
Bây giờ, hãy qua phần tối ưu hóa.
Sửa lỗi tạo các yêu cầu HTTP bổ sung (additional HTTP request)
Các plugin phải thêm các yêu cầu HTTP bổ sung (nghĩa là các file JS và CSS) để hoạt động được. Ví dụ, khi bạn cài đặt một plugin tạo form liên hệ, bạn muốn form đó hoạt động được đồng thời trông phải ổn.
Mọi người phàn nàn về các yêu cầu HTTP bổ sung trong khi bỏ qua sự cần thiết của chúng. Form liên hệ trông sẽ như thế này nếu không được định kiểu.
Hầu hết người dùng sẽ không thích điều này, một số thậm chí còn nghĩ chương trình bị lỗi, nhưng đó chính xác là điều sẽ xảy ra nếu form liên hệ không thêm các yêu cầu HTTP bổ sung để tải các file CSS và JS.
Một cách ngắn gọn, các style và script bổ sung là cần thiết để plugin hoạt động bình thường.
Có ba cách để tối ưu hóa yêu cầu HTTP bổ sung, tất cả đều yêu cầu phải có một số kiến thức code và WordPress, nhưng nếu biết cách làm chắc chắn sẽ dễ dàng hơn.
Phương pháp đầu tiên là hủy các style và script bổ sung đang được plugin sử dụng. Sau đó, kết hợp các style của plugin vào tệp style.css của theme và kết hợp script của plugin vào tệp JavaScript chính của theme.
Phương pháp thứ hai là tải có điều kiện các style/script của plugin chỉ trên những trang cần thiết.
Chúng tôi đã giải thích cả hai phương pháp trên trong bài viết về cách vô hiệu hóa các script và style do plugin WordPress thêm vào.
Đối với những người không am hiểu về code, bạn có thể sử dụng plugin tạo cache trả phí như WP Rocket, cho phép minify (thu nhỏ) và combine (kết hợp) các file code chỉ bằng một cú nhấp chuột. Phương pháp này hiệu quả trong phần lớn các trường hợp, nhưng đôi khi có thể gây xung đột với một vài plugin nhất định.
Tóm lại, bạn phải hiểu rằng vài yêu cầu HTTP bổ sung không quá nghiêm trọng như bạn nghĩ, chúng tôi đang nói tới vài mili giây. Tuy nhiên, nếu bạn có rất nhiều plugin đang thêm các yêu cầu HTTP bổ sung, thì tối ưu hóa sẽ cho phép bạn bớt một vài giây khi tải trang.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp không rành công nghệ chỉ cần thuê một nhà phát triển WordPress từ Codeable để tăng tốc website của họ (đây là một khoản đầu tư đáng giá).
Giờ đây, khi đã giải quyết các vấn đề về yêu cầu HTTP, chúng ta hãy xem xét vấn đề truy vấn cơ sở dữ liệu bổ sung.
Giải quyết vấn đề truy vấn cơ sở dữ liệu bổ sung và các tiến trình nền
Một số plugin làm tăng tải lên máy chủ cơ sở dữ liệu. Bản thân WordPress làm rất tốt công việc lưu tạm (caching) các truy vấn, và hầu hết các plugin được code tốt sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào đáng kể.
Tuy nhiên, với website có lưu lượng truy cập cao thì việc sử dụng các plugin dựa trên cơ sở dữ liệu (database-driven plugin) trở thành một vấn đề, đặc biệt nếu tài nguyên máy chủ không tương xứng.
Ví dụ: nếu bạn có một website thành viên hoặc một cửa hàng trực tuyến WooCommerce, thì bạn đang phải phục vụ rất nhiều yêu cầu không được lưu trữ tạm (uncached). Trong trường hợp này, lựa chọn duy nhất là sử dụng giải pháp hosting WordPress có hỗ trợ quản lý (managed WordPress hosting) hoặc giải pháp hosting dành riêng cho WooCommerce.
Có một số plugin cực kỳ tiêu tốn tài nguyên và bạn nên tránh chúng bằng mọi giá.
Ví dụ các plugin thêm chức năng thống kê phân tích trong WordPress như plugin đăng ký email, plugin thống kê truy cập, plugin theo dõi lượt xem v.v.. Các plugin này ghi rất nhiều vào cơ sở dữ liệu mỗi lần tải trang và làm website của bạn chậm đi đáng kể.
Bạn có thể theo dõi các dữ liệu thống kê trên quy mô lớn hơn với các plugin Google Analytics cho WordPress của MonsterInsights hoặc Jetpack Stats.
Bạn có thể thêm các form đăng ký email với quy mô theo dõi lớn hơn bằng các plugin như OptinMonster, hoặc sử dụng các form đăng ký từ dịch vụ tiếp thị email yêu thích của mình.
Ngoài ra, các plugin giám sát 404 và theo dõi liên kết hỏng có thể làm phát sinh rất nhiều yêu cầu dẫn đến quá tải máy chủ. Thay vì sử dụng các plugin đó, bạn nên sử dụng dịch vụ đám mây của bên thứ ba như Ahrefs hoặc SEMRush có chức năng tự động theo dõi liên kết hỏng và cung cấp nhiều thông tin SEO hữu ích khác.
Nếu không muốn mất phí, bạn có thể sử dụng một công cụ miễn phí như Broken Link Check cho phép bạn kiểm tra liên kết hỏng trên 300 trang cùng lúc.
Plugin WordPress ảnh hưởng đến khả năng bảo mật ra sao?
Bảo mật là một mối quan tâm chính khác khi cài đặt các plugin WordPress. Nhiều người dùng lo lắng rằng sử dụng nhiều plugin có thể khiến website của họ dễ bị tấn công hơn.
Đúng là một plugin được code kém có thể bị hacker khai thác và sử dụng để tấn công website của bạn. Tuy nhiên, điều này cũng đúng với mọi phần mềm đang tồn tại.
Sơ suất là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất của mã nguồn mở là có nhiều người sử dụng phần mềm, đồng nghĩa với việc những điểm yếu được phát hiện và sửa nhanh hơn.
Bạn có thể bảo mật cho website của mình bằng cách sử dụng plugin bảo mật WordPress như Sucuri. Chúng quét hàng ngàn website và sẽ giúp bạn phát hiện hầu hết các vấn đề về bảo mật của một plugin dễ bị tấn công.
Bạn cũng có thể bảo vệ website của mình bằng cách cải thiện mức độ bảo mật tổng thể của WordPress. Nghĩa là bạn có thể thêm vào các lớp bảo mật trước khi bất kỳ lỗ hổng nào bị hacker khai thác.
Độ tin cậy của plugin
Một số người lo ngại về sự ổn định của plugin. Điều gì xảy ra nếu plugin bị ngưng hỗ trợ? Nếu các bản cập nhật chậm thì sao?
Một điều tuyệt vời của hệ sinh thái WordPress mã nguồn mở là luôn có những lựa chọn thay thế.
Nếu bạn sử dụng một plugin phổ biến, nhiều khả năng nó sẽ không bị ngừng hỗ trợ. Nếu có thì người khác sẽ fork (tạo phân nhánh mới) và tiếp tục phát triển nó. Đó là sức mạnh của mã nguồn mở. Đây cũng là cách WordPress ra đời (nền tảng trước đó là b2/cafelog).
Miễn là bạn chọn một plugin có đánh giá tốt và của tác giả uy tín thì bạn sẽ ổn.
Tôi có thể thay plugin bằng code snippet được không?
Có nhiều bài viết trên khắp các website chỉ cho bạn cách “Làm thế nào để XYZ trên WordPress mà không cần plugin” (như bài này).
Mục đích của các bài viết này không phải là ngăn cản việc sử dụng plugin, mà là chỉ cho bạn cách học viết code. Về cơ bản, có ba cách để bạn có thể thêm code snippet vào website của mình. Bạn có thể chèn chúng vào file functions.php, vào một plugin dành riêng cho website đó, hoặc sử dụng một plugin để thêm các code snippet tùy chỉnh.
Bất kể bạn chọn phương pháp nào, việc thêm code snippet vào website của bạn sẽ tác động đến hiệu suất tương tự như một plugin độc lập.
Nếu bạn cài đặt một code snippet giống hệt một plugin, thì về cơ bản, bạn đang chạy plugin mà không cần cài đặt nó. Nhược điểm là bạn sẽ không được cập nhật plugin hoặc sửa lỗi bảo mật cho đoạn code đó.
Để biết thêm thông tin về chủ đề này, xem bài viết của chúng tôi về plugin WordPress và file functions.php – giải pháp nào tốt hơn?
Nên cài bao nhiêu plugin WordPress? Bao nhiêu là đủ?
Bạn nên cài đặt đủ plugin WordPress cần thiết để vận hành website và phát triển doanh nghiệp của mình.
Trung bình, một website kinh doanh có 20 – 30 plugin trở lên là chuyện khá bình thường.
Nếu bạn sử dụng toàn bộ tiềm năng của WordPress cùng các tính năng nâng cao thì con số này có thể dễ dàng lên đến 50+.
Ví dụ: sau đây là số lượng plugin đang hoạt động trên các website của chúng tôi:
- WPBeginner – 62 plugin
- OptinMonster – 67 plugin
- WPForms – 54 plugin
- MonsterInsights – 68 plugin
- Blog Syed Balkhi’s – 42 plugin
- RafflePress – 17 plugin
- WP Mail SMTP – 39 plugin
Những con số đó chắc chắn đã nhấn mạnh rằng không phải số lượng plugin làm cho website của bạn bị chậm lại.
Bạn sẽ hoàn toàn ổn với một số lượng lớn plugin, miễn là bạn sử dụng các plugin chất lượng cao và tuân theo các quy tắc code của WordPress.
Đây là kết quả hiệu suất website của chúng tôi, theo Pingdom.
Mặc dù sử dụng hàng tá plugin và code snippet tùy chỉnh, tốc độ tải của website vẫn là nửa giây (479 mili giây).
Làm thế nào để chọn được plugin tốt nhất?
Một trong những câu hỏi thường gặp nhất từ phía người dùng là “làm cách nào để chọn được plugin tốt nhất cho website của tôi?”
Nếu bạn đang tìm kiếm một plugin miễn phí, thì bạn chỉ cần tải về từ thư mục plugin của WordPress.org. Thư mục plugin chính thức của WordPress cũng giúp việc lựa chọn một plugin tốt trở nên dễ dàng hơn.
Bạn có thể xem các đánh giá và nhận xét một plugin từ những người dùng WordPress khác. Bạn cũng có thể xem plugin đó được cập nhật lần cuối khi nào và bao nhiêu website đã cài đặt nó.
Mặt khác, nếu bạn đang tìm kiếm một plugin trả phí thì hãy đảm bảo đó là sản phẩm của một công ty WordPress hoặc nhà phát triển uy tín. Nếu không chắc chắn, bạn hãy tìm các đánh giá và chứng thực trải nghiệm của khách hàng.
Xem hướng dẫn đầy đủ của chúng tôi về cách chọn các plugin WordPress tốt nhất để biết thêm chi tiết.
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, hãy xem những plugin WordPress không thể thiếu cho mọi website do chuyên gia chúng tôi lựa chọn. Bạn cũng có thể xem xét danh mục plugin WordPress của WPBeginner, nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ các plugin WordPress tốt nhất và cách sử dụng chúng.
Chúng tôi hy vọng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc về số lượng plugin WordPress bạn nên cài đặt. Bạn cũng có thể sẽ muốn xem thêm bài viết “bác bỏ những hiểu lầm phổ biến nhất về WordPress” của chúng tôi.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy đăng ký Kênh YouTube của chúng tôi để xem video hướng dẫn WordPress. Bạn cũng có thể tìm thấy chúng tôi trên Twitter và Facebook.